Thí sinh làm bài thi. (Nguồn: TTXVN)

“Không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế; tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ thông tin liên lạc vào phòng thi” là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong chỉ thị số 15/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.

Nhiệm vụ khó khăn

Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp trực tuyến với ban chỉ đạo thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông của 63 tỉnh thành trên cả nước mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 nhấn mạnh đây là điểm mới trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong kỳ thi năm nay, là nhiệm vụ rất khó khăn cho các thầy cô nhưng toàn ngành, các lực lượng tham gia tổ chức thi phải nỗ lực thực hiện.

Là nhiệm vụ khó khăn nên phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao cũng là vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị thi cho kỳ thi năm nay, nhất là trong bối cảnh một số năm trước đã xuất hiện tình trạng thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, chụp ảnh đề thi gửi ra bên ngoài. Nhiều địa phương đã mời lực lượng công an đến tập huấn cho đội ngũ cán bộ coi thi.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Tô Thị Ánh, sở đã phối hợp với công an tỉnh tổ chức tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024 cho 100% hiệu trưởng, giám đốc các trung tâm; phó hiệu trưởng, phó giám đốc phụ trách công tác thi; cán bộ phụ trách phần mềm quản lý thi; lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ các phòng liên quan của công an tỉnh; cán bộ phụ trách công tác thi của công an các huyện, thị xã, thành phố.

Nội dung tập huấn không chỉ học tập quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi, những điểm mới của kỳ thi, công tác tuyển sinh năm 2024 mà còn thông tin, cảnh báo về các thiết bị gian lận công nghệ cao; chia sẻ kinh nghiệm, các yêu cầu về bảo mật, phòng chống gian lận công nghệ cao nhằm đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Đà Nẵng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận cũng cho hay, sở đã chủ động phối hợp với công an thành phố tăng cường phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong các kỳ thi.

Tại Quảng Ninh, địa phương đã rà soát, vận động nhà dân sát điểm thi hạn chế sử dụng wifi trong ngày thi, tránh tình trạng thí sinh mang thiết bị vào phòng thi, kết nối mạng và chụp đề thi ra ngoài.

Hà Nội cũng đã mời lực lượng an ninh đến tập huấn về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho gần 600 cán bộ, giáo viên. Công an thành phố Hà Nội thông tin về những thiết bị thường được ngụy trang dưới dạng cúc áo, thẻ ATM, vòng, nhẫn, đồng hồ, kính mắt… có thể được đem vào phòng thi để gian lận; các dấu hiệu bất thường của thí sinh trong quá trình làm bài thi; cách nhận diện, phòng ngừa việc sử dụng phương tiện kỹ thuật có thể được sử dụng để gian lận trong kỳ thi...

Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, toàn bộ cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi đã được cảnh báo về các thiết bị gian lận công nghệ cao, chia sẻ kinh nghiệm, các yêu cầu về bảo mật, phòng chống gian lận công nghệ cao nhằm đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Cũng theo ông Cương, tuy đã thực hiện tập huấn kỹ càng, chuẩn bị chu đáo, nhưng “tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ thông tin liên lạc vào phòng thi” vẫn là nhiệm vụ đầy thách thức.

Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Đà Nẵng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương bày tỏ lo ngại năng lực của cán bộ coi thi không đủ để kiểm tra, kiểm soát các thiết bị gian lận công nghệ cao tinh vi. Theo đó, để giảm thiểu các rủi ro, ông Cương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục hoặc có gợi ý danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi giúp cho cán bộ coi thi dễ kiểm tra, kiểm soát. Ông Cương cũng đề nghị Bộ Công an có phương án hướng dẫn an ninh tại các điểm thi trong việc kiểm tra, kiểm soát các thiết bị gian lận công nghệ cao tinh vi, hoặc có tập huấn cụ thể với cán bộ coi thi tại các điểm thi.

Đây cũng băn khoăn của bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Theo bà Hạnh, dù cán bộ coi thi đã được tập huấn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro khi hiện xuất hiện nhiều thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. “Còn ít ngày nữa, kỳ thi sẽ diễn ra nhưng trong thời gian này vẫn có thể xuất hiện các thiết bị mới. Chúng tôi mong Bộ Công an liên tục cập nhật để cán bộ coi thi nắm bắt thông tin,” bà Hạnh đề nghị.

Chia sẻ với những lo lắng, băn khoăn của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay không thể tránh khỏi việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi, không chỉ phục vụ cho gian lận thi cử mà còn cho nhiều hoạt động khác. Và, trong nhiều năm qua, đây luôn là một trong những vấn đề được ban chỉ đạo thi các cấp đặc biệt chú trọng, thực hiện kỹ từ giai đoạn chuẩn bị, trong đó có việc phối hợp hiệu quả với lực lượng công an.

Nhấn mạnh việc lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính, trong đó đặc biệt chú trọng yếu tố con người, Thứ trưởng đề nghị các địa phương bên cạnh công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi cần đẩy mạnh công tác truyền thông để thí sinh hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của việc bị phát hiện gian lận và xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, hiện Bộ Công an và công an 63 tỉnh/thành phố đang phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để làm tốt công tác phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay./.